
Đa dạng sinh học trong môi trường công nghiệp - Nhìn từ KCN sinh thái Nam cầu Kiền
Phát triển KCN sinh thái - nền tảng tăng trưởng bền vững
-
Trên quan điểm phát triển kinh tế hài hoà với bảo tồn thiên nhiên, KCN sinh thái được xem là một trong những mô hình được quan tâm với ưu tiên hàng đầu nằm ở phục hồi đa dạng sinh học và phát triển bền vững.
Phát triển KCN theo định hướng sinh thái, bảo đảm an sinh xã hội được coi là giải pháp không chỉ khắc phục được những hạn chế, bất cập về vấn đề môi trường, giảm lãng phí tài nguyên mà còn thúc đẩy tăng trưởng, xanh hóa nền kinh tế.
Cánh cửa đã mở...
Tại Việt Nam, hệ thống các KCN luôn đóng vai trò quan trọng trong thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Song sự phát triển KCN "quá nóng" thời gian qua đã gây những ảnh hưởng, tác động đến môi trường và đời sống người dân xung quanh KCN. Nhằm khắc phục những bất cập của KCN truyền thống đang phải đối mặt, hướng đến phát triển ngành công nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí cho doanh nghiệp, ngay từ năm 2015-2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) đã phối hợp với một số nhà tài trợ như: Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thí điểm chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái để phát triển công nghiệp từ chiều ngang sang chiều sâu, thúc đẩy sự liên kết hợp tác trong sản xuất để sử dụng hiệu quả nguồn lực.
Thực hiện thí điểm chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái tại 3 KCN, bao gồm: KCN Amata (Đồng Nai); KCN Đình Vũ (Hải Phòng); KCN Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh). Sau 4 năm triển khai, 72 doanh nghiệp tham gia Chương trình này đã áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP), góp phần cải thiện hiệu quả tài nguyên, tương ứng 75 tỷ đồng thông qua cắt giảm 17,8 triệu kWh điện, 429.000 m3 nước và một số lượng đáng kể các nguyên, nhiên vật liệu khác. Chẳng hạn, khói nóng từ nhà máy sản xuất thép có thể được tái sử dụng cho các doanh nghiệp ngành dệt may để là ủi vải. Thông qua việc giảm phát thải khí nhà kính, môi trường ở khu vực dân cư lân cận cũng giảm thiểu đáng kể.
Đảm bảo diện tích trồng cây xanh là một trong các tiêu chí cần có để đạt chứng nhận KCN sinh thái.
Trên cơ sở kết quả đạt được, mô hình, định hướng và cơ chế chính sách cho KCN sinh thái đã được quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quản lý KCN và khu kinh tế có nêu rõ mục tiêu chính sách khuyến khích phát triển KCN sinh thái và các tiêu chí xác định KCN sinh thái ở Việt Nam. Theo đó, KCN sinh thái được nêu trong Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 với khái niệm là “khu công nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội của các doanh nghiệp”. Như vậy, về bản chất, KCN sinh thái là một “cộng đồng” các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ có mối liên hệ mật thiết trên cùng một lợi ích, hướng tới hoạt động mang tính xã hội, kinh tế, môi trường chất lượng cao, thông qua sự hợp tác trong việc quản lý các vấn đề môi trường và nguồn tài nguyên. Bằng các hoạt động hợp tác chặt chẽ với nhau, “cộng đồng” KCN sinh thái sẽ đạt được một hiệu quả tổng thể lớn hơn nhiều so với tổng các hiệu quả mà từng doanh nghiệp hoạt động riêng lẻ gộp lại.
Với việc ban hành Nghị định 82/2018/NĐ-CP, Việt Nam đã có khung, hành lang pháp lý thực hiện KCN sinh thái. Cụ thể, Nghị định 82 đã có một mục (Mục 4) thuộc Chương IV quy định riêng cho KCN sinh thái với 5 điều, trong đó bao gồm: Tiêu chí xác định khu công nghiệp sinh thái; ưu đãi đối với doanh nghiệp trong khu công nghiệp sinh thái; trình tự, thủ tục đăng ký chứng nhận khu công nghiệp sinh thái.
Dự án "Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu" có mục tiêu thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của ngành công nghiệp và lồng ghép quy định để phát triển mô hình KCN sinh thái trong các cơ chế, chính sách có liên quan; là sự kế thừa kết quả triển khai thí điểm mô hình này trong thời gian qua với các KCN đã được thí điểm tại Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ và hiện nay tiếp tục phát triển mạnh tại Hải Phòng, Đồng Nai, TP. HCM cũng như nhân rộng trên cả nước. Theo kế hoạch, thời gian thực hiện Dự án là 03 năm (2020-2023).
Về cam kết từ Chính phủ, báo cáo tổng kết 30 năm phát triển KCN, khu kinh tế của Bộ KH&ĐT đã được Chính phủ đồng ý, đến năm 2030 sẽ có từ 40-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8% đến 10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư.
Từ quan sát thực tiễn phát triển mô hình, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, với xu hướng xanh hóa nền kinh tế, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang coi đầu tư vào các KCN sinh thái là một trong những tiêu chí quan trọng để lựa chọn nơi đặt nhà máy. Điều này cũng dễ hiểu bởi tại các KCN sinh thái, sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp này cũng có thể trở thành sản phẩm đầu vào của doanh nghiệp kia và ngược lại, do đó tiết kiệm được chi phí hoạt động, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Với hành lang pháp lý đã được tạo dựng, mục tiêu cũng đã định, thiết nghĩ cả nước đang có hơn 400 KCN đang hoạt động, việc thúc đẩy phát triển KCN theo hướng sinh thái sẽ huy động nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân cho các giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững.
Gỡ vướng,... để khó khăn không trở thành rào cản
Xây dựng KCN sinh thái là mô hình của tương lai hướng tới việc phát triển kinh tế gắn liền với việc bảo vệ môi trường, không những mang lại nhiều giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp mà còn đóng góp to lớn trong việc giảm thiểu tác động của các dự án sản xuất tới môi trường. Song kể từ mô hình thí điểm đầu tiên, qua gần chục năm, đến nay đội hình các KCN sinh thái vẫn chỉ dừng ở 8 mô hình thí điểm và một mô hình do tư nhân đầu tư. Vậy đâu là nguyên nhân khiến cho các mô hình KCN sinh thái chưa thể lan tỏa, chưa xứng tầm sự kỳ vọng?
Nhà máy xử lý nước thải tập trung nhìn trên cao tại KCN Nam cầu Kiền Hải Phòng.
Xung quanh vấn đề phát triển KCN sinh thái hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0; đánh giá khả năng thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong KCN Việt Nam;... đã có rất nhiều hội thảo, tọa đàm thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, khoa học. Các nhà khoa học cho rằng, mô hình KCN sinh thái tại Việt Nam vẫn còn rất mới so với nhiều nước phát triển; cùng với đó khung chính sách về phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn chưa được hoàn thiện; việc chuyển đổi các KCN truyền thống theo Nghị định 82 đang vướng về một số tiêu chí mà KCN sinh thái phải đạt được, như các tiêu chí liên quan đến tỷ lệ cây xanh, hay thành lập liên kết cộng sinh công nghiệp đòi hỏi phụ thuộc nhiều vào chính sách thu hút đầu tư của địa phương nơi KCN đó hình thành; việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp để hình thành các liên kết cộng sinh cũng đòi hỏi sự chọn lọc, nên cần có định hướng tổng quan về phát triển công nghiệp của địa phương, định hướng xây dựng các KCN theo hướng cộng sinh, sinh thái để tránh sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các KCN trên cùng địa bàn….
Theo GS,TS Đặng Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, để phát triển xu hướng giảm phát thải thì phải xác định còn rất nhiều khó khăn, với việc cải tạo các KCN kiểu cũ phát triển thành KCN sinh thái. Điều này phụ thuộc nhiều vào cơ chế chính sách, ý thức tự giác của chủ doanh nghiệp và chủ đầu tư.
Còn chuyên gia kinh tế, TS. Mai Văn Sỹ đánh giá: "Nhắc đến KCN sinh thái, kinh tế tuần hoàn thì mọi người đều thấy hay, nhưng thực tế xây dựng rất khó. Hiện nay, chính sách của chúng ta chưa khuyến khích KCN sinh thái. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn mang tâm lý tính toán lợi nhuận trước khi bắt tay vào làm. Nếu như vậy thì rất khó vì để làm KCN sinh thái rất tốn kém".
Đại diện lãnh đạo thành phố Hải Phòng cho biết, phát triển KCN sinh thái nhìn rộng ra là một cụm, chuỗi các KCN có liên kết, tương hỗ lẫn nhau. Trong quá trình phát triển KCN sinh thái thực tế đang gặp phải một số rào cản, vì vậy để khuyến khích các KCN và các doanh nghiệp KCN tham gia vào mô hình KCN sinh thái thì ngoài những quy định chung trong tiêu chí xây dựng của KCN sinh thái, cần có chính sách hấp dẫn cho KCN sinh thái, nhất là giai đoạn đầu chuyển đổi từ KCN thường sang KCN sinh thái, để từ đó kích hoạt, tạo thành phong trào, qua đó thúc đẩy thu hút các nhà đầu tư tham gia vào kinh tế tuần hoàn.
Dòng kênh quanh năm trong mát chảy qua các nhà máy xanh của KCN sinh thái Nam cầu Kiền.
Nhìn nhận về phía doanh nghiệp, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch CTCP Shinec (Chủ đầu tư KCN sinh thái Nam Cầu Kiền) cho hay, thực tế, các nhà đầu tư khi tìm đến các KCN rất quan tâm đến hạ tầng, đảm bảo môi trường. Đặc biệt là hệ thống các công ty xuất nhập khẩu đều mong muốn được vào KCN sinh thái. Lý do là việc này sẽ giúp các nhà sản xuất sẽ dễ dàng vượt qua được hàng rào thuế quan khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại quốc tế.
Được biết KCN Nam cầu Kiền đã có thời gian dài định hướng và phát triển theo mục tiêu thân thiện môi trường, dưới sự dẫn dắt của một Tổng Giám đốc có đủ tâm, tài. Đây là một thuận lợi rất lớn vì đã có lãnh đạo sớm lĩnh hội tri thức, đam mê nghiên cứu để hiện thực hóa ước mơ nâng tầm KCN lên KCN sinh thái ngay cả khi khái niệm này còn mới mẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên, cũng theo vị doanh nhân này, ban, ngành chức năng cần tiến hành rà soát lại tất cả các luật có liên quan đến phát triển công nghiệp để tích hợp lại làm sao để đồng bộ, dễ thực hiện, giảm thủ tục hành chính. Các điều luật thông thoáng sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh, thuận lợi. Những năm qua, thực tế Nam cầu Kiền đã phải rất kiên trì theo đuổi các thủ tục hành chính để có thể hoàn thiện đầy đủ bộ hồ sơ pháp lý cho KCN.
Phát triển bền vững trở thành một yếu tố quan trọng trong quản lý rủi ro và xây dựng doanh nghiệp thành công thời đại hiện nay, tuy nhiên tại Việt Nam hiện có rất ít doanh nghiệp nhận thức được vai trò của việc phát triển bền vững. Vấn đề chuyển đổi mô hình đang là vấn đề cấp bách để đưa doanh nghiệp tồn tại và phát triển lâu dài và đủ khả năng quản trị những rủi ro trong tương lai. Các doanh nghiệp cần nhanh chóng chuyển đổi để phát triển bền vững và hiệu quả hơn. Và mô hình KCN sinh thái chỉ thực sự phát huy được vai trò tích cực với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia khi được nhân rộng trên cả nước, với các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các bên. Các tiêu chí KCN sinh thái đã được nhà nước đưa ra trong Nghị định 82 làm đích đến cho KCN phấn đấu. Mặc dù còn phải hoàn thiện thêm, cụ thể hóa thêm về thủ tục, phương pháp đánh giá mức độ đạt các tiêu chí nhưng lãnh đạo KCN có thể bắt tay vào hoạt động theo định hướng rõ rệt nhằm đạt chuẩn KCN sinh thái.
Hy vọng rằng cùng với hành lang pháp lý thông thoáng, tinh thần sẵn sàng đổi mới, khát vọng vì một nền kinh tế xanh, chúng ta có thể sớm được chứng kiến ngày càng nhiều KCN được chứng nhận đạt KCN sinh thái. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc mang đến những giá trị phát triển kinh tế ở mức cao hơn, hiệu quả hơn, điều kiện xã hội được cải thiện, môi trường được bảo vệ...
Anh Tuấn - Nam Giao

Đòn bẩy giải quyết bài toán kinh tế môi trường

Khánh Hòa: Nhiều hoạt động thu hút khách du lịch Trung Quốc

Tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7

Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ

Du lịch Khánh Hòa tăng công suất, phục vụ gần 800.000 lượt khách trong kỳ nghỉ lễ
