Đa dạng sinh học trong môi trường công nghiệp - Nhìn từ KCN sinh thái Nam cầu Kiền

Hình thành kinh tế tuần hoàn trong công nghiệp sinh thái 

25/05/2023, 10:29

Hình thành kinh tế tuần hoàn trong công nghiệp sinh thái  - Có thể nói, KCN sinh thái có nhiều điểm khá tương đồng về cả mục tiêu phát triển và hoạt động phát triển với kinh tế tuần hoàn (KTTH). KCN sinh thái có vai trò như bệ đỡ để KCN tiến tới mô hình KTTH. Tại KCN Nam cầu Kiền, kinh tế xanh, KTTH hiện diện đang ngày càng khẳng định những giá trị ưu việt của nền kinh tế xanh, hiện đại, bền vững, hình thành văn hóa đặc trưng KCN.

Yếu tố then chốt 

Theo báo cáo IPCC 2022, ngày nay, thế giới sản sinh ra hơn 2 tỷ tấn chất thải rắn, và con số này còn được dự đoán sẽ tăng lên 3,4 tỷ tấn vào năm 2050. Trong đó, rác thải - thứ được xem là không có giá trị trong nền kinh tế tuyến tính - bao gồm 44% thực phẩm và chất hữu cơ, 17% giấy và 12% nhựa - tất cả đều có thể trở nên hữu ích trong nền kinh tế tuần hoàn.

Theo các học giả thế giới, đã nghiên cứu nhiều định nghĩa về kinh tế xanh, kinh tế bao trùm nhưng KTTH được nổi lên là cách tiếp cận của nhân loại một cách toàn diện nhất.

Ở Việt Nam, KTTH theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 được xác định là “mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”, đáp ứng các tiêu chí quy định tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Phát triển KTTH là yêu cầu tất yếu.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc lựa chọn nền KTTH đối với Việt Nam là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục hạn chế của mô hình tăng trưởng truyền thống. Phát triển KTTH giúp Việt Nam tránh lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài, nhất là về nguyên liệu và nhiên liệu phục vụ sản xuất. Việc chuyển đổi sang KTTH là một cơ hội lớn để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn giúp đạt được các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Qua khảo sát, phân tích, nghiên cứu thực tiễn tại khu công nghiệp Nam cầu Kiền, Tiến sỹ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA nhận định: Ngay từ khi thành lập, KCN Nam cầu Kiền đã có định hướng toàn diện và đi theo lộ trình thực hiện từng nội dung của KTTH. Với bối cảnh hiện nay có thể xây dựng mô hình điểm về kinh tế tuần hoàn để nhân rộng ra cả nước”.

Ở một góc độ khác, ông Trần Xuân Việt (VUSTA) nhận định, Shinec đã quy hoạch, liên kết các nhóm ngành nghề với nhau tạo thành một hệ sinh thái doanh nghiệp cộng sinh. Phương thức vận dụng KTTH tại KCN Nam cầu Kiền là sự cộng sinh đa dạng trong tổng thể mô hình cộng sinh lớn, từ đó tạo ra vòng tròn liên kết hữu cơ bền vững trên 3 trục: Kinh tế - Môi trường - Xã hội, hoạt động dựa trên nội hàm của KTTH, với nguyên tắc: “Tái chế - Đa dạng - Sử dụng năng lượng xanh - Nền tảng sinh học”.

Còn GS, Viện sĩ Phạm Văn Thức - Viện Hàn lâm Y học Quốc gia Pháp cho rằng; mô hình KCN sinh thái Nam Cầu Kiền đang đáp ứng cả 2 phương pháp tiếp cận cơ bản của KTTH và tiêu chí cơ bản các tiêu chuẩn KCN sinh thái quốc tế và 8 tiêu chí của Nghị định 82/2018/NĐ-CP, đồng thời tạo lập hệ tiêu chuẩn sinh thái đặc biệt xây dựng mô hình KTTH trong KCN Nam Cầu Kiền trở thành mô hình ưu việt cho nền kinh tế công nghiệp hiện đại ở Việt Nam, giải quyết mạnh mẽ thách thức giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.

Thực tế hiện nay, Nam cầu Kiền đã và đang tạo những vòng tuần hoàn giữa các doanh nghiệp trong KCN. Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phẩn Shinec, Chủ đầu tư khu công nghiệp Nam Cầu Kiền cho biết: Nam cầu Kiền đang "tiệm cận" với mô hình KTTH. Xác định xây dựng môi trường đầu tư xanh, thân thiện môi trường là yếu tố then chốt để phát triển bền vững, tăng sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư, doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp để chuyển từ KCN tổng hợp ban đầu thành KCN sinh thái. Cùng với việc hoàn thiện cơ sở vật chất, các công trình bảo vệ môi trường được đặc biệt quan tâm phát triển đầy đủ. KCN đã xây dựng hệ thống thu gom, vận chuyển toàn bộ lượng nước thải phát sinh từ các doanh nghiệp và xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả thải ra môi trường. Đáng chú ý, KCN đã áp dụng các biện pháp "tuần hoàn cục bộ" kết hợp với "tuần hoàn toàn diện" để giải quyết bài toán này. Nhờ đó, nguồn nước được khép kín tuần hoàn và giảm tác động ô nhiễm và nguồn tài nguyên nước.

Kinh tế tuần hoàn được đánh giá là một mô hình ưu việt, bởi vừa tạo ra lợi nhuận, vừa tạo ra công ăn việc làm, mang lại những giá trị về mặt xã hội và môi trường, từ đó hướng tới một nền kinh tế xanh. Đó là vai trò của doanh nghiệp thể hiện trong việc chung tay cùng với các cơ quan Chính phủ để phát triển bền vững. Việc chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh, KTTH trong các KCN, khu kinh tế là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững cho từng KCN, KKT, cho từng địa phương và cả nền kinh tế. 

Sản xuất liên kết cộng sinh trở thành văn hóa của KCN

Hoạt động cộng sinh công nghiệp để hình thành một hệ sinh thái công nghiệp là một đặc điểm không thể thiếu của KCN sinh thái. Theo đó, chất thải, phụ phẩm hoặc sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp này có thể trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp khác.

Cộng sinh công nghiệp để hình thành một hệ sinh thái công nghiệp là một đặc điểm không thể thiếu của KCN sinh thái.

Tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ, cộng sinh công nghiệp trong KCN được mô tả là hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp trong một khu công nghiệp hoặc với doanh nghiệp trong các khu công nghiệp khác nhằm tối ưu hóa việc sử dụng các yếu tố đầu vào, đầu ra như nguyên vật liệu, nước, năng lượng, chất thải, phế liệu… trong quá trình sản xuất kinh doanh. Thông qua hợp tác, các doanh nghiệp hình thành mạng lưới trao đổi các yếu tố phục vụ sản xuất, sử dụng chung hạ tầng và các dịch vụ phục vụ sản xuất, cải thiện quy trình công nghệ và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ở KCN Nam Cầu Kiền sức mạnh từ cộng đồng được các doanh nghiệp đầu tư kiến tạo nên, đưa sản xuất liên kết cộng sinh trong công nghiệp trở thành văn hóa của KCN. Chuỗi cộng sinh tuần hoàn ngành thép với 16 doanh nghiệp tham gia: Xỉ thép, tạp chất tách từ phế liệu kim loại của ngành sẽ được phân loại để thu hồi kim loại. Sắt tồn dư đưa trở lại nhà máy thép để luyện phôi. Phần xỉ thép không chứa kim loại được nghiền, sàng tái chế đá nhân tạo ecoslag làm phụ gia xi măng, vật liệu xây dựng thay đá tự nhiên và tạo ra các sản phẩm khác như gạch không nung, cấu kiện bê tông; chuỗi cộng sinh ngành nhựa có tám đơn vị tham gia, 65% nguyên liệu đến từ doanh nghiệp nội khu với khoảng cách 1km và 85% nhựa phế liệu được tái chế. Trong khi đó, chuỗi cộng sinh ngành phụ trợ có 20 doanh nghiệp tham gia đến từ nhiều mảng như phụ trợ ô tô, điện – điện tử, chế biến nông sản.

Đa dạng sinh học, sinh thái, phát triển KTTH trong KCN là xu thế phát triển bền vững.

Ngay khi ba mối quan hệ cộng sinh công nghiệp được hình thành, Shinec đã chọn đầu mối doanh nghiệp thuộc nhóm dẫn dắt ba mối quan hệ cộng sinh trong khu, rồi vận động thành lập Câu lạc bộ Eco Nam cầu Kiền. Đến nay, câu lạc bộ này có sự tham gia của lãnh đạo 70 doanh nghiệp trong khu, từ bảy quốc tịch gồm Ý, Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan, Hong Kong) và Việt Nam nhằm đưa “đầu ra của doanh nghiệp này là đầu vào của doanh nghiệp khác.”.

Theo Nghị định 82, KCN sinh thái phải thực hiện ít nhất một liên kết cộng sinh, còn ở Nam cầu Kiền ngoài ba liên kết đã hình thành, Shinec đang chuẩn bị cho vòng tuần hoàn thứ tư liên quan đến năng lượng tái tạo, đặt mục tiêu trung hòa carbon toàn khu vào năm 2024. Theo tính toán, tổng công suất tại toàn bộ hệ thống điện mái tại đây có thể đạt 45MW và hệ sinh thái mua, bán điện cho các nhà máy trong khu sẽ được hình thành.

Có thể thấy, một đặc điểm nổi bật nhất tại KCN Nam Cầu Kiền là liên kết bền chặt các doanh nghiệp trong ngành - liên ngành trở thành những "khách hàng và nhà cung cấp tiềm năng" của nhau, hình thành các chuỗi tuần hoàn kép và lợi ích kép. Cụ thể, mỗi doanh nghiệp là nhà sản xuất sản phẩm này nhưng những phế thải của họ lại trở thành nguyên liệu đầu vào cung cấp cho doanh nghiệp khác, cứ như vậy hình thành vòng tuần hoàn tại chỗ với lợi ích đa chiều, tạo thành một văn hóa công nghiệp đặc trưng tại đây. 

Liên kết cộng sinh trong công nghiệp trở thành văn hóa của KCN.

Văn hóa ấy là sợi dây gắn kết các doanh nghiệp và cũng là sợi dây thúc đẩy các doanh nghiệp cùng nhau đồng hành, cùng nhau phát triển. Văn hóa ấy được hình thành trong chính nội hàm cộng sinh của KCN sinh thái, của KTTH.

Nam Cầu Kiền đã xây dựng được môi trường đầu tư bền vững sở hữu những yếu tố: cở sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, tính thẩm mỹ và công năng tiện ích cao phù hợp xu hướng đại chúng và tầm nhìn quốc tế hóa trong dịch vụ. Diện tích cây xanh và mặt nước chiếm 20% tổng diện tích được gia tăng giá trị nhờ liên kết chuỗi công viên các doanh nghiệp với hệ thống chung KCN đem đến môi trường làm việc xanh cho người lao động, thân thiện hài hòa với cộng đồng dân cư địa bàn, lao động ổn định, năng lực canh tranh cao. Không gian cảnh quan sinh thái được đầu tư bài bản và mang những nét văn hóa đặc thù phù hợp với từng địa phương khu vực và hài lòng cho cả các Nhà đầu tư nước ngoài.

KTTH đã được đưa vào văn kiện Đại hội Đảng, được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường, đã có nhiều công trình nghiên cứu, bài viết được đăng tải, nhiều hội thảo được tổ chức. Đó là những tín hiệu vui cho sự phát triển KTTH trong tương lai gần. Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều việc phải làm, phải nghiên cứu chuẩn bị để biến chủ trương, kế hoạch thành hiện thực trong điều kiện Việt Nam.

Hơn 20 năm qua, Nam cầu Kiền chú trọng xây dựng môi trường gắn với truyền thống, lấy nội hàm xây dựng kinh tế tuần hoàn. Bài học thành công trong thực hiện mô hình kinh tế mơi, hiện đại là, KCN Nam cầu Kiền đã xác định được các vấn đề khó khăn, và có giải pháp tháo gỡ để thực hiện “đầu vào” cho KTTH. Thứ nhất, đó là, khó khăn về chính sách, cơ chế ưu đãi, thủ tục pháp lý chưa được triển khai hướng dẫn đầy đủ. Thứ hai, NCK đã và đang duy trì triển khai nâng cao ý thức của các doanh nghiệp, luôn sát sao để doanh nghiệp hiểu rõ và tin tưởng chung tay xây dựng mô hình. Thứ ba, chủ đầu tư KCN đã định hướng phát triển, phải tập hợp được sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp bằng những công cụ chính sách kinh tế và môi trường chiến lược.

Chủ trương mới của Chính phủ khuyến khích việc phát triển cộng sinh công nghiệp, hình thành các KCN sinh thái và kinh tế tuần hoàn nhằm đảm bảo các KCN phát triển theo hướng bền vững và bao trùm là điều kiện đề Shinec và các doanh nghiệp, KCN tận dụng thời cơ, quyết tâm đổi mới, tiếp tục phát triển. 

Anh Tuấn - Nam Giao