
Nhà báo Xuân Thủy:
Người đặt nền móng, gây dựng và phát triển ngôi nhà chung đoàn kết, chuyên nghiệp
-
Ngày 14/6/2023, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Tọa đàm khoa học và trưng bày chuyên đề: Nhà báo Xuân Thủy (1912-1985) nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2023).
Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc.
Tham dự sự kiện có lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ, lãnh đạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các nhà báo lão thành, lãnh đạo một số ban, đơn vị thuộc Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo một số cơ quan báo chí, lãnh đạo một số bảo tàng,…
Phát biểu khai mạc, Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: “Suốt cuộc đời mình, nhà báo Xuân Thủy đã giữ nhiều trọng trách trong Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận... và luôn có những cống hiến xuất sắc trong các công tác ngoại giao, báo chí, trong phong trào bảo vệ hòa bình, đoàn kết, hữu nghị quốc tế... ông đã được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Có thể nói, báo chí là lĩnh vực được nhà báo Xuân Thủy dành trọn sự say mê và gắn bó nhất, cho đến những phút giây cuối cùng của cuộc đời... Thay mặt lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ XI, tôi xin trân trọng bày tỏ những tình cảm sâu sắc của những người làm báo và hội viên cả nước đối với Chủ tịch đầu tiên của chúng ta, người đặt nền móng, gây dựng và phát triển ngôi nhà chung đoàn kết và chuyên nghiệp ngay từ giữa thế kỷ trước cho các thế hệ làm báo hôm nay”.
Các đại biểu, khách mời tham dự sự kiện.
Tại tọa đàm, các đại biểu là nhà báo lão thành gắn bó với nhà báo Xuân Thủy đã phát biểu đưa ra những ý kiến sâu sắc, phong phú nhằm góp phần làm rõ những đóng góp to lớn của nhà báo Xuân Thủy với những di sản báo chí quý giá, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, trong hoạt động đào tạo báo chí và hoạt động Hội, với nhiều tham luận được chuẩn bị công phu, nội dung phong phú, nhiều phát hiện sâu sắc và thú vị về nhà báo Xuân Thủy ở nhiều góc nhìn, nhiều giai đoạn và qua chính các tác phẩm báo chí và văn chương của ông do nhiều nhà báo lão thành, nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp, nhiều chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực báo chí trực tiếp chấp bút.
Trưng bày các tài liệu và hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp nhà báo Xuân Thủy.
Trong khuôn khổ sự kiện, các đại biểu, khách đời đã được xem bộ phim tài liệu “Xuân Thủy - Nhà báo cách mạng ưu tú, người tham gia sáng lập Hội Nhà báo Việt Nam” do Bảo tàng Báo chí Việt Nam thực hiện. Nội dung tri ân những đóng góp của nhà báo Xuân Thủy với công cuộc đấu tranh vì độc lập tự do cho dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân, vì sự nghiệp báo chí Việt Nam.
Đồng thời, cũng tại đây, các đại biểu, khách mời đã được tham quan phần trưng bày chuyên đề kể về con đường nhà báo Xuân Thủy đến với báo chí cách mạng Việt Nam; Xuân Thủy với báo Cứu Quốc, với Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng; Xuân Thủy với Hội những người viết báo Việt Nam (nay là Hội Nhà báo Việt Nam); Xuân Thủy và Hội nghị Paris; một số hình ảnh và bài viết nổi bật của nhà báo Xuân Thủy gắn quá trình hoạt động báo chí sôi nổi của ông… Bên cạnh đó, người xem còn được tiếp cận với hơn 20 tài liệu, hiện vật bản gốc gắn với nhà báo Xuân Thủy lúc sinh thời như trang phục, đồ dùng trong quá trình công tác; bản thảo viết tay, đánh máy và một số bài viết trên báo Cứu Quốc; Giấy chứng nhận ký ngày 08/3/1960 do Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) trao tặng nhà báo Xuân Thủy vì những đóng góp cho sự phát triển hợp tác và đoàn kết của tổ chức này…
Trưng bày các số báo Cứu Quốc mang dấu ấn đóng góp của nhà báo Xuân Thủy.
Chia sẻ về sự kiện đặc biệt này, đại diện lãnh đạo Bảo tàng Báo chí Việt Nam bày tỏ: “Không chỉ là một nhà chính trị tài năng, đức độ, nhà ngoại giao xuất chúng, nhà báo Xuân Thủy hiện diện trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam là một nhà tổ chức báo chí giàu kinh nghiệm, một cây bút xuất sắc, vị Chủ tịch Hội khả kính, người có công lao to lớn trong việc chuẩn bị cho sự ra đời của một số cơ quan báo chí lớn của đất nước như: Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam; trực tiếp xúc tiến, thúc đẩy và lãnh đạo tiên trình thành lập và hoạt động của tổ chức Hội chính trị, nghề nghiệp của những người viết báo Việt Nam suốt từ 1945 đến 1950 và từ 1950 đến 1962.
Cuộc đời hoạt động cách mạng và sự nghiệp báo chí của nhà báo Xuân Thủy hơn một thế kỷ qua thực sự là một dấu son quan trọng trong lịch sử hình thành, phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam.
Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023), việc chiếu phim, tọa đàm khoa học và trưng bày chuyên đề: Nhà báo Xuân Thủy (1912-1985) do Hội Nhà báo Việt Nam và Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp thực hiện - là sự kiện đầu tiên được tổ chức về nhà báo Xuân Thủy, gắn với những di sản báo chí cách mạng quý giá, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc mà ông để lại”.
PV


Người đặt nền móng, gây dựng và phát triển ngôi nhà chung đoàn kết, chuyên nghiệp

Xây dựng, phát triển đội ngũ người làm báo nhạy bén về chính trị - kinh tế, sâu sắc về khoa học - công nghệ và nhân văn

Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam với nhiều điểm mới

Lãnh đạo Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia thăm và chúc mừng Tạp chí Người Làm Báo

Mỗi điển hình tiên tiến lan tỏa tinh thần, đạo đức, ý thức trách nhiệm và sự cống hiến

Hoàn thành nội dung chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Thủ tướng Chính phủ chỉ thị tăng cường tiết kiệm điện

Tháo gỡ khó khăn cho hoạt động khoa học công nghệ công lập

Sẽ quy định rõ khái niệm hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Khơi thông nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế
